Ký ức một “thời hoa lửa” của người CCB về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Đăng lúc: 09:00:00 30/04/2021 (GMT+7)

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Và cứ mỗi tháng 4 về, những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa lại bồi hồi xúc động chia sẻ kỷ niệm với những người bạn chiến đấu, để tưởng nhớ về một thời oanh liệt vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại (bên trái), thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) ôn lại kỷ niệm chiến đấu với cán bộ hội.jpeg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tại (bên trái), thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnh ôn lại kỷ niệm chiến đấu với cán bộ hội
 Về xã Hoằng Thịnh vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với CCB Nguyễn Văn Tại, thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnhngười đã từng tham gia chiến dịch HCM lịch sử 1975 để nghe bác kể lại những kỷ niệm khó quên về một thời hoa lửa đầy oanh liệt và tự hào. Bên chén trà, sau giây lát đăm chiêuCCB Nguyễn Văn Tại chia sẻ: “Tôi nhập ngũ tháng 6-1974, khi ấy mới tròn 20 tuổi, sau thời gian huấn luyện 6 tháng, chúng tôi hành quân từ Thanh Hóa vào tỉnh Tây Ninh và được biên chế vào đơn vị C18, E117, Đoàn 2 Đặc công miền Đông Nam bộ. Chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam gặp nhiều gian nan, vất vả do trời mưa đường trơn trượt lại luôn phải đối mặt với loạt bom, mìn nên người và xe đều phải ngụy trangNhững chặng hành quân thiếu nước ngọt khát cháy họng vì vùng chiến sự nơi đơn vị đóng quân, tham chiến toàn đầm lầy nước mặn, nước lợ; những bữa cơm vội ăn không no, mỗi ngày, anh em trong đơn vị được chia một lon gạo rang mang theo mình nhưng nhiều lần lội qua sông, gạo trôi xuống nước có khi chỉ còn lại một nắm... nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ cho nhau, vẫn chắc tay súng, vững niềm tin chiến thắng kẻ thù. Vào mùa mưa, anh em chỉ mặc một bộ quần áo cộc. Đó là thời kỳ “mưa dầm, cơm vắt” mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày ấy, trong ký ức của tôi lại hiện về với bao cảm xúc, tuy rằng cuộc chiến đấu gian truân, vất vả nhưng là niềm vinh dự, tự hào lớn cho bản thân tôi và những đồng đội.
Từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bị thương nặng, nhưng tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 15-4-1975 – một trong những trận đánh ác liệt và vô cùng quan trọng ở khu đồng nước tỉnh Long An, bởi chúng tôi có niềm tin rất lớn cuộc chiến sẽ thắng lợi. Sau khi nhận được lệnh của đơn vị cùng với Đại đội 2, E 117 đánh phản kích chốt chặn địch ở ấp Tân Châu, huyện Bến Lức (Long An) để tiến sâu đánh vào Sài Gòn, yêu cầu của trận đánh bắt buộc phải phá tan đồn địch và cuộc chiến bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa mới kết thúc. Là lính đặc công nhưng chúng tôi tham gia đánh phản công nên gặp nhiều khó khăn. Mặc dù là đại đội nhưng thực tế quân số lúc đó chỉ còn 26 đồng chí được trang bị vũ khí dùng cối, hỏa lực chống càn... Dù lực lượng mỏng nhưng tỷ lệ thương vong ở trận chiến này của đơn vị ítvẫn làm chủ được chiến sự với bản lĩnh, mưu trí và quyết tâm đồng đội cao. Sau đó, lực lượng trinh sát đã đến hỗ trợ đơn vị chúng tôi lui vào trong để tiếp tục củng cố lực lượng chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhận lệnh tiếp tục chiến đấu, tối ngày 24/4, chúng tôi hành quân từ huyện Bến Lức, tỉnh Long An, bơi qua sông Sài Gòn mấy cây số để tác chiến và hỗ trợ đắc lực cho các cánh quân của Sư đoàn 320 từ huyện Củ Chi dần tiến sâu vào giải phóng Sài Gòn. Khi được nghe bức điện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” chúng tôi đều rất phấn chấn và có một niềm tin mãnh liệt: đây sẽ là chiến dịch cuối, kết thúc chiến tranh, giải phóng đất nước, một ước mơ cháy bỏng của những người lính bao nhiêu năm qua.
Đến ngày 30-4, đơn vị chúng tôi tiến về Bình ChánhSài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). 11 giờ kém, tiến đánh kho gạo Kim Nga, trạm ra-đa Phú Lâm (quận 6). Với tinh thần chiến sĩ hăng hái, ngoan cường, từng hướng, ngả đường đều thấy các cánh quân của ta, người xe liên tục tiến vào. Tôi nhớ, lúc chúng tôi vẫn đang chiến đấu thì thấy quân ngụy ùa chạy ra các ngả đường không cầm súng. Và ngay thời điểm đó, chúng tôi liên tiếp nhận được tin chiến thắng từ chiến trường, cả đơn vị vui mừng khó tả. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng sau bao nhiêu năm chờ đợi. Anh em chiến sĩ hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Có những chiến sĩ bị thương, sức khoẻ yếu nhưng vẫn bật dậy, anh em, đồng đội ôm chầm lấy nhau vừa cười vừa khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” và hát vang những bài ca chiến thắng. Niềm vui chiến thắng cứ kéo dài mãi đến tận hôm nay và luôn đi theo tôi cùng năm tháng, là động lực để tôi tiếp tục làm nhiệm vụ trong những ngày sau giải phóng.
Sau giải phóng, ngày 1-5, tôi cùng đơn vị trở về Hậu Giang. Tháng 9-1975, tôi được điều động ra đảo Phú Quốc làm nhiệm vụ giam giữ cải tạo. Năm 1977 đến 1989 đánh Pôn Pốt giúp bạn giải phóng Cam Pu Chia. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt với 15 năm cầm súng chiến đấu vào sinh, ra tử mang trên mình những vết thương chiến tranh rồi về quê hương tôi tiếp tục tham gia công tác xã hội, công tác chính quyền làm Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, nay là Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã.
Đã 46 năm qua đi kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã trở về với đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha; chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng, quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn như Bác hằng mong ước./.
Thanh Hằng – Trung tâm VHTTTT&DL